Tiểu sử Trịnh_Tông

Trịnh Tông (鄭棕) còn có tên khác là Trịnh Khải, con trai trưởng của Thánh tổ Thịnh vương Trịnh Sâm với quý phi Dương Thị Ngọc Hoan, người làng Long Phúc, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Bà có chị gái là Ngọc Thịnh, ái phi của Chúa Trịnh Doanh đưa vào làm cung tần của Trịnh Sâm. Vốn không ưa Ngọc Thịnh, không ưa cả người làng Long Phúc, thấy Ngọc Hoan kém sắc lại không được học hành gì, Thế tử Trịnh Sâm không đoái hoài tới.

Biết Thế tử đang muốn có con trai nối dõi, Ngọc Thịnh đã bày mưu cho em, phao tin Ngọc Hoan nằm mơ thấy rồng hiện, mua chuộc Liêm Trung hầu, viên hoạn quan trung đường được Thế tử tin cẩn, kẻ được sai gọi phi tần, cung nữ hầu Thế tử mỗi tối. Hôm đó, Chúa cho vời chính phi Ngọc Khoan vào hầu, Khê trung hầu cố ý giả nghe lầm, đưa ngay Ngọc Hoan đến. Thấy bà, Chúa không bằng lòng nhưng không nỡ đuổi ra. Sau đó, Chúa đòi Liêm trung hầu vào trách mắng. Liêm trung hầu cúi đầu tạ tội, đoạn thuật rõ đầu đuôi chuyện Ngọc Hoan nằm mơ, Chúa nghe nhưng không nói gì cả. Sau đó, Ngọc Hoan đã có thai, sinh ra Trịnh Tông năm 1763.

Khi biết Ngọc Hoan mang thai, Trịnh Sâm đã tỏ ra thờ ơ, Ngọc Hoan sinh con, Chúa cũng chẳng quan tâm. Ngay cả việc đặt tên cho cậu bé, Chúa cũng lừng chừng. Ân vương Trịnh Doanh phải giục, Chúa cũng khất lần. Nay được cháu trai ra đời, có người nối dõi, Ân vương vui mừng khôn xiết đã ngẫu hứng mấy vần thơ:

Lân đã hiện rồi vinh quốc côngThiên hoàng nay đã tỏ dòng trongSiêu phàm có được nhờ nhân hậuVui cả sơn hà bàn thạch tông.

Ân vương Trịnh Doanh rất thú bài thơ này, giục mãi mà Trịnh Sâm cứ lờ đi nên bèn lấy chữ "Tông", chữ cuối cùng của bài để đặt tên cho ấu chúa. Tên có ý nghĩa rằng Tông ra đời quý như kỳ lân xuất hiện, phúc cho thiên hạ, đồng thời dòng họ Trịnh sẽ mãi vững bền như bàn thạch.

Tông lớn lên khôi ngô, tuấn tú nhưng vì chúa không yêu mẹ nên cũng chẳng thiết đến con. Hơn nữa, Trịnh Sâm cho rằng, giấc mơ rồng là điềm làm vua chúa, nhưng rồng vẽ không phải là rồng thật, lại không có đuôi, ắt là cơ nghiệp không bền. Trịnh Sâm không muốn chọn Tông làm thế tử, việc học tập được giao cả cho các quan; đến khi Khải đủ tuổi ra ở riêng, chúa cũng lờ luôn.

“Theo lệ cổ, con trai của chúa cứ đến 7 tuổi thì cho ra ở riêng để học, nếu là con trai trưởng thì cứ đến 13 tuổi là cho mở phủ đệ riêng, được phong làm Thế tử. Nhưng Sâm cho rằng Khải không phải do Chính phi sinh ra nên không yêu quý lắm. (…) Hai viên quan trong cơ quan Ngự sử đài là Nguyễn Thướng và Vũ Huy Đĩnh nhiều lần xin Trịnh Sâm lập Thế tử, nhưng họ đều bị giáng chức. Về sau, Đặng Thị Huệ, là một thị nữ được Trịnh Sâm yêu chiều, sinh con trai là Cán, Trịnh Sâm đặc biệt yêu quý hơn nên sách phong Đặng Thị làm Tuyên phi. Từ đó, Đặng Thị ra sức xây dựng phe cánh ngày một mạnh. Đặng Thị Huệ ngầm nuôi chí lập mưu cướp ngôi Thế tử cho con là Cán. Khải lấy đó làm mối lo. Khi Trịnh Sâm bị bệnh, Trịnh Khải âm mưu với các quan trấn thủ Sơn Tây Nguyễn Lệ và trấn thủ Kinh Bắc Nguyễn Khắc Tuân làm loạn, Sâm giáng Khải xuống làm con út và bắt giam ở nội phủ”.[1]

Chúa Trịnh Sâm cho rằng Tông không phải do vợ cả sinh ra, nên chỉ dùng Hân quận công Nguyễn Phương Đĩnh làm bảo phó. Đến năm 9 tuổi, Trịnh Tông mới đi học, dùng Nguyễn Lệ và Lý Trần Thản làm Tả, Hữu tư giảng. Chưa được bao lâu, Trần Thản mất, Nguyễn Lệ trấn thủ Sơn Tây, chúa cho Tông đến ở nhà riêng Nguyễn Phương Đĩnh, có lệnh mới được vào phủ đường triều yết[2].